Quá trình xây dựng Dự án Luật Chuyển đổi giới tính (Việt Nam)

Tiến trình xây dựng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã chuẩn bị luật này từ năm 2013.[3] Theo quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 5 tháng 2 năm 2016, dựa trên Hiến pháp năm 2013 và Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015, ông đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật chuyển đổi giới tính và xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.[1] Dự thảo Hồ sơ đề nghị dự án Luật được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 17 tháng 10 năm 2017 và lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong 60 ngày. Ngày 23 tháng 10 năm 2017, Bộ Y tế ra Công văn 5959/BYT-PC đề nghị góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giaoBộ Nội vụ. Ngày 14 tháng 12 năm 2017, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định Đề nghị xây dựng Luật chuyển đổi giới tính. Ngày 15 tháng 1 năm 2018, Bộ Tư pháp có báo cáo thẩm định Đề nghị xây dựng Luật chuyển đổi giới tính gửi Bộ Y tế. Ngày 27 tháng 11 năm 2021, Bộ Y tế ra Công văn 10178/BYT-PC đề nghị góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật chuyển đổi giới tính gửi các Bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ.[4] Ngày 8 tháng 12 năm 2021, Bộ Y tế tổ chức hội thảo góp ý Hồ sơ xây dựng Luật.[5]

Ngày 11 tháng 1 năm 2022, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ công bố toàn văn dự thảo và đề nghị các cá nhân, tổ chức và cơ quan đóng góp ý kiến.[6] Tháng 6 năm 2022, Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính kèm hồ sơ đề nghị Dự án Luật. Tháng 8 năm 2022, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được lấy ý kiến thành viên Chính phủ và báo cáo tại Phiên họp thường trực Chính phủ.[7]

Ngày 12 tháng 5 năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Chuyển đổi giới tính và đã nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật. Hồ sơ dự án được xem là đã đủ tiêu chuẩn trình Quốc hội.[8] Dự kiến dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 năm 2024 và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 năm 2025.[9]

Nội dung xây dựng

Bốn nhóm chính sách trong xây dựng nội dung dự án luật có liên quan đến điều kiện để được chuyển đổi giới tính, sự can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, xác nhận giới tính đối với trường hợp đã thực hiện can thiệp y học và thẩm quyền, thủ tục công nhận giới tính.[1] Dự án Luật được nhận định là có một số nội dung về quyền và nghĩa vụ công dân như kết hôn, thai sản, nghĩa vụ quân sự và sự tự nguyện trong can thiệp y học. Nhiều quy định trong dự án được xem là rõ ràng hơn Điều 37 của Bộ luật Dân sự sửa đổi, như đăng ký hộ tịch, thay đổi các giấy tờ pháp lý, điều kiện, thủ tục chuyển đổi giới tính.[10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dự án Luật Chuyển đổi giới tính (Việt Nam) https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-... https://baochinhphu.vn/thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-ki... http://baotnvn.vn/tin-tuc/Giao-duc/19396/Du-thao-L... https://chinhphu.vn/?pageid=30187&vbid=4788&title=... https://vnexpress.net/du-thao-luat-chuyen-gioi-co-... https://vneconomy.vn/de-nghi-xay-dung-luat-chuyen-... https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2023/... https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tan-thanh-de-nghi-xa... https://www.businessinsider.com/vietnam-law-allow-... https://en.vietnamplus.vn/revolutionary-changes-pr...